Thủ tục tạm ngừng hoạt động doanh nghiệp

Khi công việc kinh doanh không thuận lợi, nhiều khó khăn và bế tắc ập đến khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động thì tạm ngừng kinh doanh là một con đường đáng cân nhắc nếu doanh nghiệp chưa muốn giải thể. Về tổng quát, quy trình thực hiện việc tạm dừng kinh doanh đơn giản về dễ tiến hành hơn so với việc dừng kinh doanh hoàn toàn (giải thể). Bài viết sau đây sẽ giới thiệu cụ thể hơn về những tài liệu doanh nghiệp cần chuẩn bị và các bước thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

Hồ sơ cần có:

  • Thông báo tạm ngừng kinh doanh (mẫu tham khảo tại Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT)
  • Quyết định tạm ngừng kinh doanh (của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần…)
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.

Trình tự thực hiện:

  • Doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp chậm nhất là 15 ngày trước khi tiến hành tạm dừng kinh doanh. Nội dung thông báo bao gồm:
    • Tên, địa chỉ trụ sở chính, mã số doanh nghiệp và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với doanh nghiệp
    • Ngành, nghề kinh doanh
    • Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng.
  • Thời hạn tạm dừng kinh doanh không quá một năm. Sau khi thời hạn tạm dừng kết thúc, doanh nghiệp có thể gia hạn thêm một năm nữa nhưng tổng thời gian tạm dừng liên tiếp không được quá hai năm.
  • Sau khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xử lý hồ sơ trong vòng 03 ngày làm việc để đưa ra kết quả:
    • Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh nếu hồ sơ hợp lệ;
    • Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
  • Không thu lệ phí cho thủ tục này.

Lưu ý:

Về nghĩa vụ thuế, một số điểm đáng chú ý sau đây:

Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh và không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế nghỉ kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.

Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định. Trường hợp người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn theo thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.

Tổng thời gian tạm dừng kinh doanh liên tiếp không được quá hai năm. Sau thời gian này, doanh nghiệp không được phép tạm dừng kinh doanh nữa mà phải tiến hành đi vào hoạt động hoặc thực hiện thủ tục giải thể. Nếu tạm ngừng kinh doanh quá một năm mà không có thông báo tới Phòng đăng ký kinh doanh cũng như Cơ quan thuế thì doanh nghiệp sẽ bị tịch thu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bị xóa thông tin khỏi Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia.

Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải thanh toán các khoản nợ, hoàn thành các hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp cùng chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Trường hợp doanh nghiệp tiến hành kinh doanh lại trước thời hạn tạm ngừng thì phải gửi thông báo đến cho Phòng đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế ít nhất 15 ngày trước khi bắt đầu hoạt động trở lại.